TRÀ HAY CHÈ?
- Viết bởi Teaviet.com
- Chuyên mục: Văn hóa trà
Định nghĩa trong từ điển
Từ điển tiếng Việt do Trung tâm Từ điển ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học) xuất bản năm 1992 định nghĩa từ “chè”: “Cây nhỡ lá răng cưa, hoa màu trắng, quả có ba múi, trồng để lấy lá, búp, nụ pha nước uống. Ví dụ: hái chè, pha chè”. Về từ “trà”, từ điển này định nghĩa: “Lá cây chè đã sao, đã chế biến để pha nước uống. Ví dụ: pha trà, ấm trà ngon, hết tuần trà”.
Thói quen địa phương
Trong thực tế ngày nay, cách dùng “trà” hay “chè” là do thói quen của từng vùng. Ở phía Bắc người ta thường gọi chung cây chè và sản phẩm làm ra từ cây chè đều là “chè”. Trong khi đó ở miền Nam, người ta có cách phân biệt tương đối rõ hơn: Cây trồng gọi là “chè”, còn với sản phẩm chế biến thì gọi là “trà”.
Lịch sử cây chè
Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam Á là vùng phân bố tự nhiên của cây chè. Nhiều nhà khoa học cho rằng Việt Nam nằm trong vùng phát sinh ra thứ cây uống quan trọng này của nhân loại mà bằng chứng quý giá là những rừng chè cổ thụ có thân lớn đến hai người ôm không xuể được phát hiện mới đây trong rừng nguyên sinh trên đỉnh Phansipan ở độ cao từ 2200m-2800m. Phó giáo sư Đỗ Ngọc Quỹ đã viết, ngay các nhà khoa học về chè của Trung Quốc, nơi vẫn tự hào với những vùng chè cổ nổi tiếng ở Vân Nam, cũng phải ngạc nhiên khi nhìn thấy bức ảnh chụp những cây chè cổ thụ thân to mấy người ôm mọc ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam.
Nguồn gốc từ "chè"
Quay trở lại vấn đề tên gọi, ta có thể nghĩ nếu cây chè có nguồn gốc ở Đông Nam Á và Việt Nam nằm trong vùng phát sinh của sản vật quý già này thì hẳn là tên gọi của thứ cây này phải có liên hệ đến địa bàn phân bố sớm của chúng. Phải chăng từ “chè” có nguồn gốc lâu đời trong tiếng Việt cổ, sau đó các nhóm cư dân khác du nhập cây này họ sử dụng tên gốc và nói chệch ra thành "trà" hay thành những từ khác xuất phát từ nơi mà họ du nhập?
Khi tìm hiểu ngôn ngữ Mường, vốn liên quan mật thiết đến ngôn ngữ Việt cổ, thì ngôn ngữ này gọi thứ cây mà chúng ta đang bàn đến là “che”, tức không nhấn mạnh vào dấu huyền như cách nói của người Việt hiện tại. Người Thái di cư xuống Bắc Việt Nam và một vài dân tộc khác cũng gọi chè là "che" hoặc gần như vậy.
Chè tươi, thức uống dân dã của người Việt Nam
Chè là tên gọi thông dụng của các kiểu uống mang tính bình dân chế biến từ cây chè, ví dụ chè xanh, chè tươi, chè búp, chè bạng, chè nụ, chè hạt. Hầu như người ta không dùng từ trà để gọi trà xanh, trà tươi... Ngay cả tiếng rao xưa từ những người bán nước rong ngoài bến xe bến tàu cũng là “Ai chè tươi nước vối đây! Nước vối nóng chè tươi nào!”.
Nguồn gốc từ "trà"
"Trà" là âm Hán Việt, ngôn ngữ viết và nói về chữ "trà" dùng ở Việt Nam từ lâu đời, có nguồn gốc từ Trung Hoa và đã trở thành một từ Việt phổ thông trong dân gian. Trà có là cách gọi một số đồ uống được chế biến từ cây chè. Nhưng cũng có những loại đồ uống gọi là trà nhưng không phải từ cây chè mà từ lá, thân và cả quả, hạt của các loại thực vật khác, mà một ví dụ phổ biến là “trà bát bảo” (trà pha chế từ 8 loại dược thảo quý).
Người Việt cũng có những kiểu uống tương tự vậy, chẳng hạn nước lá vối, nụ vối hay nước pha ra từ một vài loại cây rừng khác. Tuy nhiên dân ta không gọi những đồ uống này là “trà” mà mỗi thứ có một tên riêng của nó.
uống trà - một văn hóa ẩm thực sang trọng cầu kì
Từ trà trong tiếng Việt có hai nghĩa như vậy, song nghĩa phổ biến là được dùng trong những kiểu uống, cách chế biến chè cầu kì sang trọng. Trà là lối gọi của người Hoa: trà Mạn (loại trà chế biến theo lối lên men của vùng Mạn Hảo, Vân Nam, Trung Quốc), trà sen, trà đạo, trà cúc, trà ngâu... rồi đến các dụng cụ chế biến như ấm trà, bình trà, chén trà, bàn trà, hay các nghi lễ như trà đạo, tiệc trà, trà đàm... Những từ ấy có liên quan đến một văn hóa ẩm thực sang trọng cầu kì. Trong dân gian không ai dùng từ chè đạo, tiệc chè, chè đàm cả.
Giao lưu giữa 2 sắc thái nghĩa
Hai từ chè và trà đã thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa những văn hóa chế biến và thưởng thức sản phẩm từ cây chè (Camellia sinensis) với những phong cách và phong tục khác nhau. Những giao lưu ấy khiến cho nghệ thuật uống chè (uống trà) của người Việt Nam ta vừa gần gũi vừa sang trọng, vừa bình dân lại vừa đài các.
THÔNG TIN LIÊN HỆ TEAVIET.COM NGO GIA PHAT Production Trading Co.Ltd
Number 123A , La Xuan Oai street, Tang Nhon Phu A ward, Distric 9, Ho Chi Minh city Tel: (08)62 787 969 – 090 3366 556 Hotline: 0901 846 888
Email: [email protected] hoặc [email protected] Website: www.teaviet.com Facebook: https://www.facebook.com/nhuteaviet
Bài viết liên quan











